Báo chí viết về trường

Ngôi trường dân lập đầu tiên và 16 năm tạo lập "thương hiệu"

Bây giờ, khi xu hướng xã hội hoá giáo dục đã phát triển rộng khắp, mô hình trường dân lập trở nên phổ biến, không còn lạ lẫm nữa. Thế nhưng, vào thời điểm tháng 6-1999, khi Trường THPT Lương Thế Vinh, trường dân lập đầu tiên của tỉnh ra đời, mọi chuyện hoàn toàn khác...


Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh dự lễ khai giảng năm học 2015-2016.
Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh dự lễ khai giảng năm học 2015-2016.

Từ những bước “chạy đà”...

Nhớ về sự kiện này, bà Nguyễn Thị Hồng Cường (lúc ấy đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn - xã, nay đã nghỉ hưu) kể lại: “Việc UBND tỉnh quyết định thành lập Trường THPT Lương Thế Vinh, trường dân lập đầu tiên ở Quảng Ninh, là một quyết định không dễ dàng; bởi việc này quá mới mẻ. Mới mẻ trong thực tiễn đã đành, mà ngay cả trong nhận thức của các cán bộ lãnh đạo như chúng tôi, nó cũng rất mới mẻ. Nhưng trước nhu cầu bức thiết của xã hội, không thể không nghĩ đến mô hình này…”.

Và để thực hiện chủ trương này, tỉnh đã thành lập đoàn khảo sát, học tập kinh nghiệm thực tế ở các tỉnh, thành bạn trong cả nước do chính Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hồng Cường trực tiếp làm Trưởng đoàn. Đoàn đã đến thăm nhiều trường dân lập ở các tỉnh, thành phố, làm việc với Bộ GD-ĐT…

Địa phương đầu tiên được chọn để triển khai mô hình trường THPT dân lập là thị xã Cẩm Phả, bởi đây là khu đô thị tập trung đông con em thợ mỏ, nhu cầu học lên THPT ngày càng lớn. Dù trên địa bàn Cẩm Phả lúc đó có đến 6 trường THPT công lập nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Chính điều đó đã hối thúc tỉnh phải khẩn trương đưa mô hình trường THPT dân lập vào thực tiễn. Và Đề án thành lập Trường THPT Lương Thế Vinh ở Cẩm Phả đã được HĐND tỉnh phê chuẩn...

Tháng 6-1999, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Trường THPT Lương Thế Vinh. Hàng loạt khó khăn bỡ ngỡ đè nặng lên vai những người sáng lập trường. Phải làm thế nào để huy động vốn, tìm địa điểm xây dựng cơ sở hạ tầng, tuyển giáo viên, tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo v.v.. và v.v.. Một số cổ đông ban đầu như: Nguyễn Thị Nhi, Hoàng Hồng, Trương Công Tịnh… đi tìm khắp nơi mới chọn được một địa điểm là một phân hiệu của Trường Tiểu học Cẩm Trung đang bỏ trống. Thực ra, phân hiệu này chỉ là dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp gần như sắp đổ hết và thị xã  Cẩm Phả lúc đó đồng ý cho thanh lý với giá 120 triệu đồng cho nhà trường… 

Khó khăn về cơ sở vật chất bước đầu đã được giải quyết; nhà trường bắt đầu tuyển sinh khoá đầu tiên được 13 lớp, với 594 em. Thế nhưng, có học sinh thì lại thiếu giáo viên; cả trường chỉ có 3 giáo viên cơ hữu, còn lại 28 thầy cô khác là giáo viên thỉnh giảng…

Nhưng rồi vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến năm học 2007-2008, nhà trường có thêm cơ sở 2 và cơ sở 3 với đầy đủ phòng học, phòng chức năng, sân giáo dục thể chất. Đến năm học 2011-2012 thì tăng lên 46 phòng học, đủ cho học sinh mỗi lớp 1 phòng, học 2 buổi trong ngày. Tất cả các phòng đều được trang bị máy chiếu. Tổng diện tích 3 khu được mở rộng lên đến 1,7ha. Và cũng phải nói thêm, Trường THPT Lương Thế Vinh là trường THPT duy nhất trong tỉnh hiện nay có được 2 sân bóng đá mini với trang thiết bị tương đối hiện đại để học sinh tập luyện thể dục thể thao…

Trường THPT Lương Thế Vinh những năm đầu thành lập còn rất nhiều khó khăn. Ảnh tư liệu của Trường
Trường THPT Lương Thế Vinh những năm đầu thành lập còn rất nhiều khó khăn. Ảnh tư liệu của Trường

Đến việc “tăng tốc”, tạo lập “thương hiệu”...

Những ngày trung tuần tháng 11, khi chúng tôi đến thăm Trường THPT Lương Thế Vinh, thầy và trò nhà trường đang náo nức chuẩn bị cho ngày Nhà giáo Việt Nam, 20-11 sắp tới. Thầy Lê Văn Khải, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Hiện nay Trường đã có 82 giáo viên cơ hữu; số giáo viên thỉnh giảng chỉ có 14 thầy, cô và hầu như đều là những giáo viên đã nghỉ hưu. Trong số giáo viên của trường hiện có 4 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, có người đã gắn bó với Trường suốt 16 năm nay, như cô Trần Ngọc Thuỷ, thầy Nguyễn Thái Dương, cô Vũ Thị Hoa Nhài v.v.. Thầy Khải cũng cho biết, tính đến thời điểm này, có lẽ chỉ duy nhất Trường THPT Lương Thế Vinh là trường dân lập trên địa bàn tỉnh còn duy trì Hội đồng quản trị là tập thể. Trao đổi với chúng tôi, bà Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nguyễn Thị Nhi chia sẻ: Các thành viên trong Hội đồng quản trị luôn rất quan tâm, thường xuyên cùng giáo viên giải quyết nhiều công việc liên quan đến chuyên môn. Đặc biệt, việc tạo dựng “thương hiệu” là một trong những nội dung rất được Hội đồng quản trị cũng như Ban giám hiệu nhà trường luôn đặt ra như một yêu cầu bức thiết. Để làm được điều đó, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường còn quan tâm tới công tác “quảng bá thương hiệu”.  Thầy Lê Văn Khải, Hiệu trưởng nhà trường, đưa chúng tôi xem cuốn vở học sinh có in hình Trường THPT Lương Thế Vinh ở bìa và bài hát sáng tác về trường. Thầy Khải bảo đây là phần thưởng dành cho học sinh giỏi. Trường không thưởng bằng tiền mà thưởng bằng hiện vật để các em yêu hơn ngôi trường mình đang theo học. Một năm, Trường đặt mấy vạn quyển vở như thế. Thầy Khải cười với vẻ rất lạc quan: “Chúng tôi đang mong phải đặt nhiều hơn nữa, tặng nhiều hơn nữa số vở này!”.

Nhìn vào những con số thống kê của nhà trường, chúng tôi hiểu niềm lạc quan của thầy Khải là hoàn toàn có cơ sở. Trong 16 năm qua, nhà trường đã đào tạo được trên 7.000 tú tài. Riêng kỳ thi 2015, Trường có trên 60% học sinh đỗ vào cao đẳng, đại học. Năm học 2014-2015, nhà trường có 35 học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh. Và Lương Thế Vinh đã trở thành một trường nằm trong tốp đầu của hệ ngoài công lập của tỉnh.

Đưa chúng tôi đi thăm khuôn viên khang trang của trường, bà Nguyễn Thị Nhi, Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường, cho biết: “Lâu nay tâm lý chung vẫn nghĩ các em học sinh vào học trường dân lập là “lọt sàng xuống nia”; vì không vào được trường công lập nên “cực chẳng đã” mới vào dân lập… Nhưng với Trường THPT Lương Thế Vinh, hiện nay chúng tôi không còn lo về điều này. Như đầu năm học vừa qua, trường đã có hơn 300 học sinh, chiếm khoảng 50% chỉ tiêu, tự nguyện đăng ký từ đầu; số còn lại sẽ bổ sung khi hệ công lập tuyển sinh xong. Bởi thế có thể khẳng định, đầu vào của nhà trường đã ổn định…”.

Theo thầy Khải, để có sự ổn định trong khâu tuyển sinh, nhà trường đã làm khá tốt công tác phân luồng học sinh. Trước kỳ tuyển sinh, cán bộ giáo viên nhà trường đã đến các trường THCS trên địa bàn để định hướng cho các em học sinh, để các em tự tin lựa chọn theo học tại Trường THPT Lương Thế Vinh. Bây giờ, có thể nói, hầu như không còn em học sinh nào của trường còn cái mặc cảm về “học sinh trường dân lập” nữa. Và có lẽ đây cũng là điều mà Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu nhà trường muốn hướng tới khi đổi tên từ Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh thành Trường THPT Lương Thế Vinh như hiện nay.

Nhưng dẫu không lo khâu tuyển sinh thì một thực tế khiến nhà trường phải giải quyết sao cho hài hoà; đó là sự phân hoá rất khác nhau giữa các nhóm đối tượng học sinh; có những em học sinh thuộc diện chính sách, có học sinh nghèo, học sinh mồ côi v.v.. Về trình độ năng lực cũng vậy, có nhóm học lực khá, giỏi, có nhóm học lực trung bình và yếu cũng có, ham chơi cũng nhiều… Với “đầu vào” không đồng nhất như vậy, để đảm bảo “đầu ra” đồng đều thì cần có cách làm phù hợp. Thầy Khải cho biết: Về cơ bản, Trường chuyển dần từ hình thức giáo dục kiến thức theo kiểu “hàn lâm bác học” sang giáo dục kỹ năng cho học sinh. Kết quả cuối cùng của quá trình dạy học là xem kỹ năng sống của học sinh như thế nào chứ không phải chăm chăm vào kiểm tra kiến thức đơn thuần. Bởi thế nhiều học sinh lên đại học rồi bước vào đời hết sức tự tin, không còn bỡ ngỡ với thực tế.

Để minh chứng cho điều đó, cô giáo Nguyễn Thu Thuỷ, giáo viên Vật lý, cho biết: Trong những năm cô dạy học ở Trường, cô nhớ nhất là trường hợp em Nguyễn Ngọc Hải, một học sinh mồ côi, phải vừa học vừa đi làm để kiếm sống. Thế nhưng suốt  3 năm liền Hải đều đạt học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 12 Hải còn thi đỗ học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý. Hiện nay, Hải đang học Đại học Giao thông - Vận tải và em vẫn vừa học vừa đi làm thêm để không chỉ nuôi mình mà cả một cô em gái… Cô Thuỷ còn bảo, vừa qua Hải đã trở về thăm trường và cảm ơn thầy cô. Anh bảo rằng, nếu ngày đó không vào học tại Trường THPT Lương Thế Vinh, chưa chắc anh đã được như ngày hôm nay...

Trường THPT Lương Thế Vinh là ngôi trường duy nhất hiện nay có 2 sân cỏ nhân tạo phục vụ tập luyện thể dục thể thao.
Trường THPT Lương Thế Vinh là ngôi trường duy nhất hiện nay có 2 sân cỏ nhân tạo phục vụ tập luyện thể dục thể thao.

Và một điều nữa mà chúng tôi nghĩ cũng là nét khá đặc biệt ở Trường THPT Lương Thế Vinh, đó là tính hiệu quả trong phương pháp giáo dục toàn diện, trong đó giáo dục thể chất cũng rất được coi trọng. Hàng năm, Trường đều tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, các trò chơi dân gian v.v.. để lôi cuốn học sinh tham gia vào các hoạt động tích cực, vừa giáo dục thể chất vừa giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội. Hiện nay ở các lớp đều có đội bóng đá riêng. Giải bóng đá mini truyền thống của trường diễn ra hàng năm với tổng số khoảng hơn 80 trận đấu. Nhà trường đặt ra quy định, muốn tham gia các đội tuyển bóng đá, học sinh phải đạt hạnh kiểm từ khá trở lên. “Học sinh trốn học, vi phạm Luật Giao thông hay sa đà vào chơi game online v.v.. thì “đừng có mơ” mà tham gia các đội tuyển thể thao của Trường. Nhờ vậy mà ngoài việc cố gắng học tập trên lớp các em luôn biết phấn đấu tu dưỡng đạo đức” - Thầy Khải nói.

Về chuyện này, bà Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thị Nhi còn kể, rằng trước đây, giáo viên rất vất vả, thậm chí phải đi đến các quán nét để “lôi” các em về. “Bây giờ thì khác rồi, ngoài giờ học trên lớp, các em thích chơi môn thể thao nào nhà trường cũng có nên không còn tình trạng la cà quán xá nữa…” - Bà Nhi nói.

Cũng theo bà Nhi, học sinh của trường giờ có thể đứng ra tự dàn dựng và tổ chức các chương trình ngoại khoá bài bản, giáo viên không cần phải trực tiếp nhúng tay vào nữa. Vào sáng thứ hai hàng tuần, sau lễ chào cờ lại có cuộc sinh hoạt chuyên đề luân phiên, cứ 2 lớp biểu diễn một buổi. Không nói đâu xa lễ kỷ niệm 15 năm thành lập Trường vừa qua, các em đã tự lo toàn bộ phần văn nghệ. Từ đó,  giáo viên đỡ bận bịu hơn mà học sinh lại có nhiều “đất diễn” để thể hiện tài năng sở trường của mình… Chính đây là môi trường để nhiều học sinh thi đỗ vào các Trường văn hoá nghệ thuật. Có học sinh của Trường nay đã thành MC dẫn chương trình của Đài PTTH Quảng Ninh...

“Thương hiệu” của Trường THPT Lương Thế Vinh ngày càng được khẳng định và lan xa. Và ở một mức độ nào đó, cũng có thể nói, 16 năm trưởng thành của ngôi trường dân lập đầu tiên của tỉnh này đã đóng góp rất nhiều kinh nghiệm để đến nay trên địa bàn tỉnh đã có tới 14 trường ngoài công lập. Những trường này đã và đang tạo ra những nét đặc sắc cho giáo dục Quảng Ninh hôm nay…

Huỳnh Đăng

*Nguồn: Báo Quảng Ninh



Tin liên quan
Liên kết website

Thống kê

Khách online : 4
Số truy cập : 1384282